Theo hungnguyen.gov.vn
Rươi Nghệ An
- Ở Rươi Nghệ An ?- Hưng Nhân, Hưng Châu, Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Lợi nhiều rươi
Đặc sản ''ruốc'' rươi ở Hưng Nguyên
“Tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn ruốc” đó là câu cửa miệng của những người “sành” về món rươi...
Ai cũng biết rươi là bây giờ quý và hiếm, không phải vùng đất nào cũng có. Rươi không phải mùa nào cũng có, mà chỉ xuất hiện vào cuối thu thường là các tháng 9, 10, 11 âm lịch và có nhiều trong thời gian từ ngày 20/9 đến 5/10 âm lịch hàng năm. Ở Hưng Nguyên, vào những ngày này, bà con thường be bờ ruộng, khi nước triều lên ngập cánh đồng cũng là lúc rươi lên, khi triều rút, họ mang rổ ra hứng ở cuối ruộng có thể được 5 – 10kg rươi. Mỗi kg rươi giá từ 350 – 400 nghìn đồng, có gia đình thu được 40 – 50 triệu/năm nhờ các sản phẩm từ rươi. Nhiều nhất là ở Hưng Nhân, Hưng Châu, Hưng Phú, Hưng Khánh, Hưng Lợi. Vì vậy dân gian mới truyền nhau câu ca dao về rươi rằng:
“ Ước gì cho đến tháng mười
Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”
Rươi là một loại hải trùng dài chừng 7cm, mình có đến 60 đến 70 đốt. Thân màu xanh xám ánh bạc nâu đỏ, có rất nhiều chân bé li ti và chỉ sống duy nhất ở vùng nước lợ. Nếu lần đầu tiên nhìn thấy bạn sẽ không khỏi “rờn rợn” bởi trông nó giống như một loài rết hay một loại sâu bọ nào đó. Thế nhưng từ con rươi người ta có thể chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau như canh rươi, chả rươi, ruốc rươi, rươi rán trứng, rươi rang trong nồi đất, rươi xào măng… món nào cũng ngon và có những vị rất riêng. Ruốc rươi được xem là một trong những đặc sản từ rươi.
“Tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn ruốc” đó là câu cửa miệng của những người “sành” về món rươi. Thế nhưng bây giờ do người nông dân thường sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời do việc xây dựng hệ thống đê điều ngăn cản sự lên xuống của thủy triều nên đã ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sinh trưởng, phát triển của rươi, vì thế rươi còn rất ít, chủ yếu là các xã ngoài đê sông Lam. Thế nên món ruốc rươi lại càng trở nên quý hiếm và đắt đỏ hơn.
Công thức chế biến ruốc rươi của người dân Hưng Nguyên khá cầu kỳ, gồm sự phối trộn của rươi, vỏ quýt, gừng, muối rang vàng, rượu nếp và thính gạo. Rươi được làm sạch đến mức chỉ còn nước trong sau đó được đánh, quấy nát thành bột, trộn muối theo tỷ lệ 600g rươi với 100g muối, cho vào hũ sành và đem phơi nắng hoặc treo trong giàn bếp (bếp nấu củi hoặc rơm vì như vậy mới có “nhiệt” giúp ruốc rươi nhanh “chín”). Khi được khoảng 2-3 tuần thì cho rượu vào với tỷ lệ 1 kg cho 1 chén sứ rượu và để tiếp đến 4-5 tuần thì cho bột thính gạo nếp với tỷ lệ 1 kg mắm cho 2 chén sứ. Được 6-7 tuần người chế biến lại cho bột gừng, bột vỏ quýt với tỷ lệ 1 kg mắm rươi cho 1 chén bột gừng, 1 chén bột vỏ quýt. Ruốc ủ được 8 tuần thì chuyển ruốc từ hũ sành sang chai, nút chặt, bọc ni-lông đến khi nào sử dụng. Ruốc rươi càng để lâu lại càng thơm và ngon. Ruốc rươi sử dụng phải là ruốc nguyên chất, không được đem đun chín vì như vậy sẽ làm mất mùi đặc trưng của rươi. Một số ít người làm ruốc rươi kinh doanh, để tăng lợi nhuận trước khi đem bán họ thường nấu cháo gạo nếp cho thêm bột quả gấc, hoặc trộn bột thực phẩm khác giả làm màu, hoặc dùng cháo đặc cho vào rá xát kỹ trộn vào ruốc rươi để bán. Mắm rươi làm kiểu này chất lượng kém, không thơm, có khi còn mất vệ sinh. Do đó người tiêu dùng nên cẩn thận trước khi chọn mua mắm rươi.
Có thể nói không có nước chấm nào qua mặt được ruốc rươi. Ruốc rươi có thể ăn với thịt lợn (heo) luộc hoặc quay, giò, thịt bê hấp, vịt quay. Thịt hoặc giò phải thái mỏng để khi chấm vào ruốc khi đó ruốc sẽ thấm đều vào thịt mới đủ hương vị. Chúng ta có thể dùng thêm gia vị như chuối xanh thái mỏng, khế thái mỏng, hành tươi thái mỏng, lá mơ…
Ruốc rươi là loại đặc sản có giá thành cao, kỹ thuật làm ruốc khá cầu kỳ. Ngày nay với nền kinh tế mở cửa hàng hóa được lưu thông thuận tiện và sự đa dạng của nhiều loại ẩm thực, thế nhưng những món chế biến từ rươi nói chung và ruốc rươi nói riêng vẫn tìm được những chỗ đứng vững chắc trong lòng người.
Nguyễn Đình Cảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét